HỘI CÔNG NGHỆ KHOAN - KHAI THÁC VIỆT NAM

The Drilling and Production Technology Vietnam - VADPT

NHỮNG THÀNH TỰU CỐT LÕI ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC CỦA CỤM CÔNG TRÌNH...

Cập nhật: 7/12/2021 9:57:56 AM

NHỮNG THÀNH TỰU CỐT LÕI ĐẶC BIỆT XUẤT SẮC CỦA CỤM CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG CÁC GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ TRONG THU GOM, XỬ LÝ VÀ SỬ DỤNG KHÍ ĐỒNG HÀNH Ở CÁC MỎ CỦA LIÊN DOANH VIỆT - NGA VIETSOVPETRO VÀ CÁC MỎ LÂN CẬN (phần ngoài khơi)
Cụm công trình là kết quả nghiên cứu sáng tạo trong ứng dụng và phát triển KHCN trong điều kiện đặc thù tại thềm lục địa Nam Việt Nam, và đã mang lại những thành tựu đặc biệt xuất sắc, cụ thể:
1. Cụm công trình có giá trị rất cao về khoa học và công nghệ
(i) Sáng tạo và làm thay đổi thiết kế ban đầu các mỏ Bạch Hổ và Rồng của Vietsovpetro:
- Quan điểm ban đầu và phương án được phê duyệt:
+ Khai thác dầu là chính và vận chuyển vào bờ;
+ Không thu gom khí đồng hành, đốt bỏ khí tại mỏ.
- Phương án nghiên cứu và áp dụng:
+ Dầu xuất khẩu tại mỏ;
+ Khí đồng hành thu gom và vận chuyển vào bờ để sử dụng và phát triển công nghiệp khí Việt Nam.
(ii) Xây dựng phương pháp điều khiển cấu trúc dạng dòng chảy thông qua các thiết bị tách khí sơ bộ UPOG, cho phép vận chuyển dầu bão hòa khí. Khí tách ra trên giàn nhẹ (BK) đủ áp lực để thu gom và vận chuyển vào bờ;
(iii) Các kết quả nghiên cứu của Vietsovpetro đã bổ sung, hoàn thiện và làm phong phú thêm công nghệ vận chuyển khí trên thế giới. Từ các kết quả nghiên cứu và thử nghiệm ở thực tế các mỏ của Vietsovpetro đã đưa ra các giải pháp khoa học và hình thành nên phương pháp thu gom, xử lý và vận chuyển khí đồng hành (sử dụng UPOG, Ejector, Booster) phù hợp với điều kiện biển Việt Nam, cụ thể là:
- Xây dựng phương pháp và ứng dụng thu gom vận chuyển khí không cần dùng máy nén trong điều kiện khai thác tầng đá móng có nhiệt độ và áp suất cao;
- Sáng tạo ra giải pháp làm khô khí để vận chuyển vào bờ không cần các bộ thiết bị làm lạnh, đáp ứng tiêu chuẩn nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện Bà Rịa;
- Nghiên cứu và áp dụng thành công Ejector ở quy mô lớn để nâng dòng khí áp suất từ 28-37 at lên 57-58 at đủ áp lực để vận chuyển 2 triệu m3 khí vào bờ, trong điều kiện chưa có máy nén khí lớn;
- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nén khí và lần đầu tiên áp dụng thành công máy nén khí piston để nâng công suất vận chuyển khí lên 3-5 triệu m3 khí, tạo tiền đề triển khai công nghệ khai thác Gaslift;
- Nghiên cứu, xây dựng cơ sở khoa học, chứng minh sử dụng khí đồng hành và áp dụng phương pháp khai thác Gaslift là hiệu quả nhất trong điều kiện mỏ Bạch Hổ theo 02 giai đoạn: Phương pháp Gaslift không có máy nén khí và có máy nén khí;
- Hình thành quy trình công nghệ sử dụng khí để sản xuất điện tại các công trình biển thay thế nhiên liệu DO/FO phải vận chuyển từ bờ đặc biệt là trong mùa gió chướng phù hợp với đặc thù tại thềm lục địa Việt Nam.
(iv) Những điểm mới, phương pháp luận khoa học do Vietsovpetro sáng tạo và phát triển có thể áp dụng để thu gom, xử lý và vận chuyển khí đồng hành cho tất cả các mỏ dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam.
2. Cụm công trình đạt hiệu quả kinh tế rất cao và tác động to lớn, lâu dài đến kinh tế-xã hội nước nhà, góp phần tích cực, hiệu quả bảo vệ môi trường
(i) Hiệu quả về kinh tế:
Cụm công trình nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận (phần ngoài khơi) mang lại hiệu quả kinh tế to lớn. Tổng hiệu quả kinh tế của toàn bộ cụm công trình được tính trên cơ sở hiệu quả của các giải pháp:
1. Hiệu quả của giải pháp sớm thu gom và vận chuyển 1,0 triệu m
3/ngày vào bờ không cần máy nén, làm nhiên liệu thay thế dầu DO/FO nhà máy nhiệt điện Bà Rịa (giai đoạn Fast-Track) là 1471,69 tỷ đồng VN (tương đương132,05 triệu USD);
2. Hiệu quả của giải pháp sử dụng Ejector để tăng lưu lượng khí vận chuyển vào bờ đến 2 triệu m
3 khí/ngày là 654,6 tỷ đồng VN (56,32 triệu USD);
3. Hiệu quả của giải pháp thu gom khí đồng hành mỏ Rồng vận chuyển đến giàn nén trung tâm CCP Bạch Hổ và vận chuyển vào bờ (giai đoạn Fast-Track mỏ Rồng) là
1.949,43 tỷ VNĐ (93,55 triệu USD);
4. Hiệu quả của giải pháp khai thác dầu bằng gaslift (giai đoạn 1), chưa có giàn nén so với dùng giàn nén khí đã tiết kiệm được
6,91 tỷ đồng VN (0,61 triệu USD);
5. Hiệu quả giải pháp sử dụng khí đồng hành làm nhiên liệu cho động cơ turbin khí thay thế dầu DO/FO phát điện trên các công trình biển của Vietsovpetro là 
4.472,76 tỷ VNĐ (201,86 triệu USD);
6. Hiệu quả kinh tế của giải pháp thu gom khí trên tàu chứa dầu VSP-02 thay thế dầu DO/FO làm nhiên liệu đốt nồi hơi để gia nhiệt cho dầu thô là
110,68 tỷ VNĐ (4,86 triệu USD).
(ii) Hiệu quả về xã hội và các lĩnh vực khác:
- Năm 1995, trong giai đoạn khan hiếm nguồn nhiên liệu cho điện năng, khí đồng hành đang bị đốt bỏ ngoài khơi (trong điều kiện chưa đầy đủ trang thiết bị), thông qua giải pháp thiết kế-xây dựng nhanh (fasttrack) khí đồng hành đã được thu gom, xử lý, và vận chuyển vào bờ cung cấp cho nhà máy nhiệt điện Bà rịa, đã làm thay đổi diện mạo ngành công nghiệp Việt Nam, làm tiền đề cho việc ra đời các nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, góp phần giải quyết vấn đề khủng hoảng năng lượng, tình trạng cắt điện luân phiên của thập niên 90;
- Ứng dụng các giải pháp của Cụm công trình đã tạo điều kiện thuận lợi để thu gom được khí đồng hành ở các mỏ hiện đang khai thác ở Bồn Trũng Cửu Long, thềm lục địa nam Việt Nam; Các công trình của VSP thực sự đã trở thành trung tâm kết nối và lưu chuyển khí từ các mỏ như: Rồng, Rạng Đông, Sư Tử Đen, Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, Hải sư đen, Hải sư trắng, Tê Giác Trắng, Cá Ngừ Vàng, Thiên Ưng, Đại Hùng, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác các mỏ dầu tại thềm lục địa Việt Nam.
- Thu gom và vận chuyển khí đồng hành vào vào bờ của Vietsovpetro đã mang lại ý nghĩa sâu sắc cho nền kinh tế Việt nam, thay thế nguồn nguyên liệu dầu DO truyền thống cho các nhà máy nhiệt điện, là tiền đề tạo ra các sản phẩm mới cho đất nước như: Đạm; LPG; nguyên liệu cho các nhà máy hóa dầu, là cơ sở vững chắc cho sự phát triển ngành Công nghiệp khí Việt nam. Đặc biệt sản xuất đạm từ nguồn khí trong nước đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực; LPG góp phần đô thị hóa phục vụ nhu cầu dân sinh, thay đổi nguồn nguyên liệu của nhiều ngành nghề tiểu thủ công, đem lại công ăn việc làm cho các tầng lớp xã hội, tăng thu nhập cho người dân;
- Các giải pháp sớm thu gom, xử lý và vận chuyển khí đồng hành các mỏ của Vietsovpetro vào bờ là cơ sở vững chắc, đặt nền móng cho sự trưởng thành và phát triển ngành Công nghiệp Khí Việt Nam hiện nay, đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực và vô cùng to lớn cho xã hội nước ta;
- Thu gom khí đồng hành, tức là giảm/không đốt bỏ khí đồng hành, gây ô nhiểm môi trường không khí, xã hội và dân sinh, là tận thu nguồn tài nguyên cho đất nước, phục vụ phát triển kinh tế xã hội;
- Áp dụng các giải pháp của Cụm công trình nghiên cứu đã mang đến kết quả sử dụng hiệu quả được trên 90% khí đồng hành mà trước đấy 100% phải đốt bỏ ngoài khơi là thành tựu xuất sắc nhất của Cụm công trình. Thành tựu đó đã đưa VIETSOVPETRO vào danh sách các công ty sử dụng khí đồng hành cao nhất (trên 90%) trên thế giới;
- Những thành tựu khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu ứng dụng và phát triển thành công cụm công trình đã được công bố rộng rãi trên các Tạp chí chuyên ngành, trình bày tại các Hội nghị khoa học công nghệ với sự tham gia đông đảo của giới chuyên gia trong và ngoài nước, cụ thể:
Công trình được cấp 01 bằng sáng chế độc quyền;
42 bài báo, báo cáo khoa học tại các diễn đàn khoa học trong và ngoài nước, trong đó:
o 11 bài ở tạp chí chuyên ngành trong nước;
o 07 bài ở tạp chí chuyên ngành nước ngoài;
o 12 báo cáo ở trong nước và 12 báo cáo ở ngoài nước;
Xuất bản 08 sách chuyên khảo (trong đó: 02 tiếng Việt, 06 tiếng Nga);
03 Luận án Tiến sĩ chuyên ngành đã được bảo vệ;
26 giải pháp được công nhận là sáng kiến;
Đạt giải A, Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dầu khí lần thứ II, năm
2020.

Tin liên quan