HỘI CÔNG NGHỆ KHOAN - KHAI THÁC VIỆT NAM
- Niềm tự hào của ngành Khoan thăm dò và Khai thác Khoáng sản
(Diễn văn khai mạc của PGS.TS. Nguyễn Xuân Thảo- Chủ tịch Hội tại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Hội và đón nhận huân chương Lao động hạng nhì)
Ngày 02/02/1983, tại Hội trường Tổng cục Địa chất, số 6 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, theo sự chỉ đạo của Hội Địa chất Việt Nam (nay là Tổng hội Địa chất Việt Nam); 78 cán bộ thuộc ngành khoan, cơ khí thiết bị, khai đào, khai thác, cơ lý đá đang công tác tại các đơn vị thuộc Tổng cục Địa chất Việt Nam, Trường Đại học Mỏ - Địa chất và các cơ sở thuộc nhiều Bộ, ngành khác nhau đã tiến hành Đại hội lần thứ I thành lập một tổ chức nghề nghiệp với tên gọi Phân Hội Kỹ thuật địa chất - tiền thân của Hội Công nghệ Khoan - Khai thác Việt Nam ngày nay.
Trải qua 40 năm hoạt động (1983-2023), xây dựng và phát triển, với 7 kỳ Đại hội và 3 lần đổi tên Hội cho phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác thăm dò, khai thác và bảo vệ tài nguyên khoáng sản.
Ngày 20/01/2005 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 18/2005/QĐ-BNV thành lập Hội Công nghệ Khoan - Khai thác Việt Nam là thành viên của Tổng hội Địa chất Việt Nam và Quyết định số 88/2005/QĐ-BNV ngày 26/8/2005 phê duyệt Điều lệ hoạt động của Hội. Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Hội được công nhận là Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ I theo Điều lệ đã được phê duyệt.
Trong suốt 40 năm hoạt động, từ Phân hội đã trở thành Hội có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Đến nay, Hội Công nghệ Khoan - Khai thác đã tập hợp được gần 950 Hội viên từ các Hội viên đã thi công lỗ khoan thăm dò bằng máy khoan đập ở mỏ thiếc Tĩnh Túc - Cao Bằng năm 1956 (hôm nay cũng có mặt tại hội trường đó là TS. Đặng Của) đến các Hội viên tốt nghiệp ngành khoan thăm dò, khoan - khai thác khoáng sản ở các trường Đại học, trường Cao đẳng trong và ngoài nước của những năm đầu thế kỷ 21. Hội Công nghệ Khoan - Khai thác Việt Nam có 6 Chi hội và 4 đơn vị hoạt động khoa học công nghệ; có tới 80% số Hội viên của Hội đang công tác ở các Cơ quan, Doanh nghiệp Nhà nước, ở các Viện nghiên cứu, ở các trường Đại học, Cao đẳng. Đội ngũ khoa học của Hội bao gồm hàng trăm Tiến sỹ và thạc sỹ; trong đó có 16 PGS.TS; 01 Nhà giáo nhân dân và 10 Nhà giáo ưu tú thuộc các chuyên ngành Địa chất, Địa vật lý, Khoan - Khai thác, Thiết bị thăm dò và Khai thác, Cơ học đá và Lọc hóa dầu.....
Hôm nay, về dự lễ kỷ niệm có hơn 100 Hội viên ưu tú đại diện cho gần 950 hội viên của Hội, đại diện cho các Hội viên đang công tác ở những nơi miền núi rừng xa xôi, trên các giàn khoan, giàn khai thác dầu ở vùng biển xa bờ, nước sâu, khí hậu khắc nghiệt, ngày đêm miệt mài khoan sâu vào lòng đất và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản quí hiếm cho đất nước.
Trong đội ngũ Hội viên, có nhiều tấm gương tiêu biểu đã cống hiến nhiều cho sự nghiệp xây dựng Hội và Công nghệ Khoan - Khai thác khoáng sản. Những tấm gương tiêu biểu điển hình như cố TS. Trương Thiên, cố NGND. PGS.TS Trương Biên, TS. Đặng Của,và nhiều Hội viên khác ,v.v..
Trải qua 40 năm (1983-2023) hoạt động với bao thăng trầm, khó khăn và thách thức; với tinh thần đoàn kết, nỗ lực quyết tâm cao của tập thể Lãnh đạo Hội qua các thời kỳ và của toàn thể Hội viên; Hội Công nghệ Khoan - Khai thác Việt Nam đã không ngừng trưởng thành về mọi mặt và đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và bảo vệ môi trường khoang sản. Trong 10 năm gần đây đã xuất bản hơn 65 cuốn sách về công nghệ khoan thăm dò, khai thác khoáng san; 53 công trình chuyển giao công nghệ; có nhiều công trình rất có ý nghĩa về khoa học và kinh tế xã hội góp phần hoàn thiện và phát triển công nghệ khoan thăm dò, khai thác khoáng sản; thực hiện thành công 45 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia, 75 đề tài cấp bộ thuộc chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Quốc gia phục vụ đổi mới hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025 thực hiện đề án ”đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025”; hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ chuyên ngành; đào tạo nâng cao trình đô chuyên môn và nguồn nhân lực công nghệ cao cho ngành. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ khoan thăm dò và khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, quí hiếm trên đất liển, trên biển, bảo vệ môi trường sinh thái trong sạch phục vụ lợi ích cho các ngành kinh tế quốc dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu mạnh.
Trên chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển với những thành tích nổi bật đã đạt được ; Hội Công nghệ Khoan - Khai thai thác Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2010); Huân chương Lao động Hạng Nhì (năm 2021); Thủ tướng Chính phủ 02 lần tặng Bằng khen (năm 2008, 2018); cùng nhiều Bằng khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, của Tổng hội Địa chất Việt Nam,. Đây là những phần thưởng cao quý giành cho Hội, đồng thời cũng là động lực động viên để các Hội viên của Hội tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng hoạt động, xây dựng Hội Công nghệ Khoan - Khai thác Việt Nam ngày càng phát triển vững mạnh xứng đáng là một một tổ chức nghề nghiệp trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản cho đất nước.
Tôi xin bày lòng biết ơn tới Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương; Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Địa chất Việt Nam và các Tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước, các Trường Đại học, các Viện nghiên cứu khoa học, các Hội chuyên ngành đã quan tâm, giúp đỡ tạo mọi điều kiện để Hội Công nghệ Khoan - Khai thác Việt Nam hoạt động và tạo mọi điều kiện cho các Hội viên của Hội đang công tác tại cơ quan có điều kiện tham gia công tác Hội.
Một lần nữa, xin thay mặt cho những người thợ khoan, thợ khai thác kính chúc các vị đại biểu và các vị khách quí, các Hội viên Hội Công nghệ Khoan - Khai thác Việt Nam dồi dào sức khoẻ, thành công trong công tác, hạnh phúc trong cuộc sống./.